Cây Hoa Sứ Thái là một trong những loại Cây Kiểng, Cây Bonsai đẹp, cây vừa có thể trồng ngoài vườn, vừa có thể trồng trong chậu để làm Cây Trang Trí trong nhà, sảnh, phòng làm việc. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn một số lưu ý khi thay chậu cho Cây Hoa Sứ Thái.
Cây Hoa Sứ Thái trong nhà thường được trồng trong những chiếc chậu có lỗ thoát nước, mỗi năm kích thước cây đều tăng và thường sau một vài năm Bạn cần thay chậu cho Cây Hoa Sứ Thái đã lớn. Khi thay chậu cho Cây Hoa Sứ Thái ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến bộ rễ và sự phát triển của cây, để hạn chế những tác hại ảnh hưởng đến cây Bạn cần lưu ý năm điều như sau:
Thứ nhất, Chậu dùng để trồng Cây Sứ Thái thường có kích thước từ nhỏ đến lớn phù hợp với kích thước của cây. Tức là lúc mới trồng thường được trồng chậu nhỏ, sau đó một thời gian sẽ được trồng vào chậu lớn hơn và khi cây trưởng thành muốn có nhiều hoa thì chậu to mới đủ dinh dưỡng nuôi cây. Nhưng dù là trồng vào loại chậu gì đi nữa thì chậu cần phải có lỗ thoát nước dưới đáy chậu. Mỗi chậu phải có từ 2 đến 3 lỗ thoát nước, phải đủ rộng mới đảm bảo cho việc rút hết nước tưới dư thừa. Nếu chậu không đủ số lỗ thoát nước cần thiết thì phải khoét thêm.
Thứ hai, Muốn hạn chế khả năng thoát nước quá nhanh trong chậu trồng Sứ Thái, Bạn có thể dùng miếng sành hay miếng gạch ngói để chêm lên lỗ thoát nước để chặn đất đai lại cho nước theo chỗ hở mà rút hết ra. Hoặc Bạn xé nhỏ xơ dừa, cát đổ dưới đáy chậu một lớp chừng vài ba phân, sau đó cho đất vào chậu trồng. Chậu trồng Sứ Thái phải là loại chậu sâu.
Thứ ba, Bứng Cây Sứ Thái từ chậu nhỏ sang chậu to, Bạn cần tránh làm sao cho bộ rễ không bị thương tật. Muốn được vậy, trước đó vài giờ ta nên tưới nước thật đẫm cho đất vốn đã đóng chắc trong chậu được mềm bở ra. Sau đó ta dùng chiếc bay nhỏ moi móc dần lớp đất đóng chung quanh thành chậu ra ngoài, như vậy khối đất giữa chậu (có bộ rễ) sẽ dễ dàng lung lay và tróc ra khỏi chậu. Nếu có cái rễ nào bị đứt hay bị giập nát, nên cắt bỏ và bôi vôi lên vết cắt để sát trùng giúp vết cắt mau lành.
Thứ tư, Chuẩn bị đất và chậu trồng mới. Đất cũ đã trồng Sứ, Bạn nên bỏ đi, nếu đất đó còn mới, dùng được thì trộn thêm phân rồi sử dụng tiếp. Khi sang qua chậu mới, một là giữ nguyên bầu đất để cây không bị mất sức (vì không dụng chạm đến bộ rễ), Bạn cứ đặt nguyên bầu đất vào chậu mới, sửa cho cây ngay ngắn rồi chèn thêm đất vào cho đầy là được. Ngược lại, nếu đây là dịp cần sửa cành tạo tán lại cho cây thì chưa vội trồng. Nên nhẹ tay gỡ hết đất đai dính chắc vào bộ rễ sau đó rửa sach rồi đem cả cây vào nhà tìm chỗ thoáng mát treo ngược gốc lên vài ngày, không cần săn sóc cũng không tưới nước để cành nhánh và bộ rễ mềm dịu, mới đem ra trồng vào chậu mới.
Thứ năm, Khi đặt cây vào trồng trong chậu mới, Bạn phải đặt làm sao cho bộ rễ ở mức lưng chừng chậu để rễ đủ chỗ mà tỏa ra tìm thức ăn khắp chậu. Trồng làm sao để có rễ cách mép chậu độ vài ba phân, mức đất trong chậu hụt xuống vài phân so với mặt chậu, vì như thế nước tưới sẽ có chỗ đọng lại để rút xuống từ từ …Đất trồng mà ngang với mặt chậu là điều không tốt, vì nước tưới sẽ trào hết ra ngoài, vừa uổng phí, vừa hại cây do không đủ nước để sống.